|

Lịch sử vùng đất

content:

LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT - ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Phường Vĩnh Phúc ngày nay vốn xưa là hai làng trại cổ Vĩnh Phúc và Cống Yên gắn liền với truyền thuyết Đức Thánh Hoàng Lệ Mật đời vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) đã có công đưa dân làng Lệ Mật sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long, hình thành nên “Thập tam trại” gồm: Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Liễu Giai, Vĩnh Phúc (Vĩnh Khách cũ), Vạn Phúc, Cống Yên, Cống Vị, Thủ Lệ, Kim Mã, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam. Hiện nay các đình Liễu Giai, Cống Vị, Vĩnh Phúc, Ngọc Khánh, Kim Mã đều thờ cũng Đức Thánh Hoàng Lệ Mật, người có công lập nên Thập tam trại.

          Trại Vĩnh Phúc, ban đầu có tên là Trại Vĩnh Khánh, sau này đổi sang trại Vĩnh Phúc gồm hai xóm Vĩnh Phúc 2 và Vĩnh Phúc 3. Trại Vĩnh Phúc nằm sát đường Thành (xưa) Hoàng Hoa Thám (nay). Địa thế Trại Vĩnh Phúc: phía Đông giáp Đại Yên, phía Nam giáp Liễu Giai, phía Tây giáp Cống Vị, phía Bắc giáp Cống Yên. Trại Vĩnh Phúc là trại nghèo, không lớn về diện tích và dân số. Phụ nữ trong làng chăm cày cấy lúa, trồng rau, hoa, chăn nuôi, đôi khi làm thuê ở chợ Bưởi với đồng công rẻ mạt. Đàn ông trong làng chủ yếu làm nghề nông, một số đi làm công cho nhà máy thuộc da, nhà máy bia rượu, công viên cây xanh… Do biến đổi về mặt quản lý và sự phát triển của địa bàn dân cư, nên Vĩnh Phúc 3 đã thuộc địa phận hành chính của phường Ngọc Hà quản lý. Còn Vĩnh Phúc 2 hợp thổ với Cống Yên (Vĩnh Phúc 1) thành phường Vĩnh Phúc hiện nay.

Trại Cống Yên, ban đầu có tên gọi Cống An. Đến đời Hậu Lê vì trùng với tên kỵ húy của Chúa Trịnh Danh nên “Cống An” đổi sang thành “Cống Yên”. Địa thế trại Cống Yên: phía Đông Bắc là đường Hoàng Hoa Thám, phía Tây Bắc là đường Bưởi có bến mở ra sông Tô Lịch nối ra sông Cái. Nơi đây có kho chất đốt (Bãi Than) là nơi tập kết than, củi để cung cấp cho nội thành và các lò làm gạch quanh trại. Thế đất Cống Yên cao ráo hơn Vĩnh Phúc, tương truyền giữa trại có gò núi thế hình Quy (con Rùa) bên cạnh có giếng Ngọc, bãi Võ, đền thờ Đức Thánh Quảng Hồng. Cũng Như người dân trại Vĩnh Phúc, người dân trại Cống Yên sống tình nghĩa xóm giềng, đậm nét truyền thống dòng họ. Đồng đất Cống Yên rộng hơn Vĩnh Phúc, nên ngoài nghề nông, chăn nuôi, người dân Cống Yên phát triển nghề dịch vụ vận tải, buôn bán, nề, làm mộc, giấy, thuộc da, bia rượu, nhà đèn (điện)…nhiều người trở thành giáo chức. Sau ngày tiếp quản Thủ đô (10/1954) Cống Yên được đổi sang tên gọi Vĩnh Phúc 1 thuộc xã Phúc Lệ, sau thuộc phường Cống Vị. Đến năm 2005 thì nhập vào phường Vĩnh Phúc và ổn định địa giới cho đến ngày nay.

Vĩnh Phúc và Cống Yên là mô hình “trại” thời xưa trên dưới 10 hộ dân thành một trại. Các hộ trong trại dựng lều để ở, sống quay quần, nương dựa nhau, khai hoang, sản xuất, chăn nuôi, duy trì đời sống tự cung, tự cấp. Người trưởng họ được làm trưởng trại có uy tín và quyết định các công việc của trại liên quan tới từng hộ gia đình, tạo nên sự gắn kết, ứng xử với nhau theo “Hương ước” và tuân thủ tập tục “Lệ làng” được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Hai trại Vĩnh Phúc và Cống Yên đông nhất là họ Nguyễn, kế đến là họ Trương và một số họ khác. Họ đông nhất bao giờ cũng ở chính giữa trại (vùng lõi). Thời gian sau, số dân nghèo các vùng lân cận kéo nhau về sinh sống ngày một đông, nhà cửa mọc lên ôm lấy “vùng lõi” dòng họ lớn, cứ thế phát triển ngày một rộng ra. Ruộng lúa, ao hồ, đồng bãi được khai phá, mở mang…phát triển lên thành “làng trại”.

Hai làng cổ Vĩnh Phúc và Cống Yên, trong khoảng thời gian hơn chục năm đầu thập niên 90 đến đầu năm 2000, các hộ dân cắt đất vườn ra từng mảnh nhỏ, phân lô, bán nền hoặc lấp ao xây nhà để bán, tạo ra nguồn cung dồi dào về nhà, đất.

Trong số dân nhập cư vào Vĩnh Phúc và Cống Yên đại đa số là công nhân viên chức các cơ quan, cán bộ hưu trí, sỹ quan quân đội, công an đóng trên địa bàn Hà Nội. Cũng không ít người là dân các tỉnh thành khác về định cư, mở nghề dịch vụ, buôn bán, làm ăn.

Cùng với đó là sự ra đời các khu nhà tập thể của các cơ quan, xí nghiệp: Giao thông công chính, Xây dựng, Thủy lợi, Giáo dục, Ngân hàng, Nội thương, Giày mũ vải, Ô tô máy kéo, Khu tập thể UBND quận Ba Đình, Nhà công vụ 130 Đốc Ngữ…Các đơn vị vũ trang như: Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103, Khu tập thể Quân khu Thủ đô, Tăng thiết giáp, K72 và K80 Bộ Tổng tham mưu, Quân y 354, Pháo binh, Công binh, Quân trang… Đặc biệt là ra đời Khu đô thị dãn dân 7.2 ha Vĩnh Phúc phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng xây dựng nút giao thông Cầu Giấy, Khu chung cư cao tầng 671 Hoàng Hoa Thám, Tháp chung cư cao cấp Hòa Bình ngõ 376 đường Bưởi…đã thu hút nhiều ngàn hộ dân đến sinh sống. Trong đó gần chục khu tập thể quân đội phần lớn là sỹ quan cao cấp được phân nhà, đã tạo nên cộng đồng dân cư đông đúc , kỷ cương đóng góp quan trọng vào sự phát triển của phường Vĩnh Phúc.

Các tuyến đường như Hoàng Hoa Thám, đường Bưởi vốn là đường thành cổ đắp đất, vừa cao vừa dốc, trước đây rất hoang vắng, thỉnh thoảng mới có vài quán lá dựng lên sửa chữa xe đạp, bán chè mạn, chè đỗ đen cho khách qua đường. Sau hai chục năm đô thị hóa, nhà mặt phố cao tầng xây dựng san sát nhau, buôn bán sầm uất, chủ yếu là cây cảnh và đồ gỗ. Chỉ tính riêng về tăng dân số cơ học, Vĩnh Phúc mỗi năm tăng bình quân gần 500 người. Sự gia tăng dân số cơ học luôn đi theo đô thị hóa hai làng trại Vĩnh Phúc và Cống Yên theo nghĩa “đất lành chim đậu”.

content:
content:

content:

Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 434
Số lượt truy cập: 294373