|

Lễ hội truyền thống

content:

LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

Trong quần thể di tích lịch sử - văn hóa - tôn giáo của Ba Đình, phường Vĩnh Phúc có 3 di tích: Đình Vĩnh Phúc thờ Đức Thánh Lệ Mật, Đền Quảng Hồng thờ Đức Thánh Quảng Hồng và chùa Cống Yên thờ Phật.

Cả 3 di tích có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân trong phường, nhất là người dân làng Cống Yên và Vĩnh Phúc. Người dân 2 làng cổ có truyền thống “yêu nước, đoàn kết, thương người, yêu lao động”. Cuộc sống làng trại đã tạo nên sự gắn kết, thống nhất, đùm bọc, tương trợ lẫn nhau để chống trọi với thiên nhiên, muông thú, bệnh tật, đói khổ…nên sâu nặng tình làng nghĩa xóm. Truyền thống đó xuyên suốt thời gian gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của 13 làng trại phía Tây kinh thành Thăng Long.

Chùa cổ Cống Yên được Bộ Văn hóa xếp hạng “Di tích cấp Quốc gia” và giao cho Hội Phật giáo Việt Nam quản lý. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, nhà máy gạch và tấm lợp proximăng được khởi công xây dựng tại khu đất rộng gần 2 héc ta tại số 671 Hoàng Hoa Thám thì bao gồm cả khuôn viên đền thờ Đức Thánh Quảng Hồng. Để lấy đất xây dựng nhà máy, đền Đức Thánh Quảng Hồng được di dời vào đất chùa Cống Yên, nên Đền đứng cạnh Chùa như hiện nay.

Truyền thuyết Đức Thánh Quảng Hồng (người làng Cống Yên) được ghi trong Ngọc phả đền Quảng Hồng, do Hàn lâm viện Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn vào năm 1737 có đoạn như sau: “…Ngài sinh vào ngày 13 tháng Giêng năm Bính Ngọ, tại khu Cống An, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long. Cậu bé mặt mũi phương phi, hình dung tuấn tú, khác hẳn người thường. Lên 3 tuổi đặt tên là Quảng Công (ông Quảng)…khi tròn 18 tuổi thì võ nghệ tinh thông, tài năng nhất cõi, hung tài dung lược, sức mạnh siêu phàm…năm Trùng Hưng giặc Nguyên là Ô Mã Nhi sang xâm lược nước ta, nhà vua lo lắng đích thân đích thân dẫn quân chinh phạt. Khi đi qua địa phận bản khu (Cống An) biết có người tài giỏi, vua cấp tốc triệu ngài tới và nói: “Nay quốc gia hữu sự, giặc Nguyên kéo đến xâm lược, trẫm đích thân ra trận. Nghe nói khanh là người tài giỏi, nên trẫm mệnh cho khanh tong chinh giúp nước, phong tước là Đại tướng”. Sau đó vua cùng ngài tiến thẳng tới cửa sông Bạch Đằng quyết chiến với quân Nguyên… Ngài đội nón sắt Ma Lôi xông thẳng vào đồn địch, đại chiến một trận, quân giặc bị chết vô số, máu đỏ dòng sông, số còn lại tháo chạy về nước. Thế là dẹp xong giặc Nguyên vậy!”.

Ngọc phả đền Quảng Hồng còn ghi chép lại sự tích ngài đã “hóa” như sau: “Giặc tan, Ngài xin vua trở về bản quán, bái vọng phần mộ tổ tiên, mở tiệc khao thưởng phụ lão cùng mọi người trong thôn (Cống An)…Nhân lúc nhàn việc, ngài đi thăm thú, bỗng thấy một thế đất hình “Quy” (hình con rùa) ngài đang đứng xem lúc đó vào buổi giữa trưa thì thấy trên trời xuất hiện dải mây vàng, trời đất tối sầm, gió mưa sấm chớp nổi lên, thế là ngài “hóa” ngay tại nơi đó. Lát sau trời quang mây tạnh, các cụ già cùng mọi người đã nhìn thấy mối đùn lên thành ngôi mộ. Nhà vua vô cùng thương xót một vị công thần có công giúp nước, một lòng trung nghĩa, liền cử sứ giả mang sắc chỉ tới bản khu. Truyền cho dân lập miếu thờ, ban 100 quan tiền hương hỏa, phong là “Bản cảnh Thành hoàng Quảng Hồng linh ứng Thượng đẳng thần Đại vương”. Cho phép khu Cống Yên thờ phụng mãi mãi, trường tồn với non sông”.

Hằng năm, lễ tế Đức Thánh Quảng Hồng vào ngày 13 tháng Giêng được nhân dân Cống Yên và quanh vùng tổ chức rất trang trọng và chu đáo. Ngay từ sáng ngày 12 tháng Giêng tại Đền Cống Yên đã diễn ra lễ yết, sau đó là tổ chức các cuộc thi, trò chơi và biểu diễn văn nghệ. Ngày hôm sau, 13 tháng Giêng là chính hội, ngay từ sáng sớm nhà đền đã chuẩn bị duyệt lễ rước cùng các thanh niên trai làng cường tráng, tiếp theo là khai mạc lễ hội. Sau màn dâng hương lễ thánh đọc thần phả của đền, hai đội tế nam và nữ sẽ vào tế lễ với những bước lên xuống nhịp nhàng cùng các nghi lễ long trọng, trang nghiêm. Kết thúc phần lễ, phần hội với các trò chơi, múa hát có sự tham gia của dân làng trong vùng và các vùng lân cận sẽ kéo dài đến tận xế chiều.

content:
content:

content:

Album ảnh

portal-sessiontracking

Đang trực tuyến: 1442
Số lượt truy cập: 272071