Ý nghĩa lịch sử thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
- content:
Sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản diễn ra trong vòng nửa cuối năm 1929 là bước tiến nhảy vọt của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, phù hợp với xu thế và nhu cầu bức thiết của lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, ở một nước có tới ba tổ chức cộng sản nên không tránh khỏi sự phân tán về lực lượng và tổ chức, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động.
Trong bối cảnh đó, nhận thấy sự cần thiết phải thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào Cộng sản ở Việt Nam, ngày 23-12-1929, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm đến Trung Quốc. Người triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đến họp tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng) để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản ngày 18-2-1930 của Nguyễn Ái Quốc, hội nghị diễn ra vào ngày 6-1, các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2-1930.
Trong Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề ra 5 điểm lớn cần thảo luận và thống nhất, trước hết là tự phê bình và phê bình, “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”. Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua các văn kiện gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng. Trong đó, Chánh cương vắn tắt của Đảng và sách lược vắn tắt của Đảng có giá trị như cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã mở ra thời kì mới cho cách mạng Việt Nam - thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ra đời, đã xác định được những nội dung cơ bản nhất của con đường cách mạng Việt Nam; đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các tổ chức cộng sản, các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc.
Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh, phong trào yêu nước và phong trào công nhân ở Việt Nam; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng.
Thực tiễn 92 năm qua đã khẳng định: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân; đồng thời, là đội tiên phong của nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam.
Chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng tự hào vì đất nước ta có một Đảng Cộng sản kiên cường, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hoà bình và tiến bộ của nhân loại.
Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi đảng viên, công chức, viên chức và người lao động càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.