Ứng dụng công nghệ định danh số để khai thác bản quyền di sản

Tương tự các tài sản trí tuệ khác, các hình ảnh di tích, đồ vật di sản cũng có thể được khai thác như tài sản sở hữu trí tuệ quý giá cần được bảo vệ, từ đó tạo mô hình kinh tế số hoàn toàn mới trong công nghiệp văn hóa.
content:

Trong các lĩnh vực như hình ảnh, phim ảnh, âm nhạc,... việc khai thác và trả phí bản quyền cho tài sản trí tuệ (IP) rất phổ biến. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia công nghệ, các hình ảnh di tích, đồ vật di sản được làm thành đồ lưu niệm cũng có thể khai thác dưới góc độ kinh tế số.

Mặt khác, những sản phẩm văn hóa không chỉ là hiện vật mà còn là tài sản sở hữu trí tuệ quý giá cần được bảo vệ, đặc biệt là ở một đất nước có nền văn hóa lâu đời và đặc sắc như Việt Nam. Nếu ứng dụng công nghệ, chúng ta có thể khai thác mô hình mới này để phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy kinh tế số.

Tại Hội nghị quốc tế "Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO với công nghiệp văn hóa" do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam chủ trì mới đây, mô hình ứng dụng công nghệ định danh số Nomion để khai thác bản quyền di sản đã được giới thiệu.

Giải pháp này được khai thác thông qua 3 ý tưởng chủ đạo: tạo nguồn thu bổ sung từ việc bán vé tham quan triển lãm số (metaverse); sản xuất và phân phối các món đồ lưu niệm là bản sao có chứng thực của các hiện vật di sản, văn hóa; giao dịch các phiên bản số của hiện vật di sản trên chợ số, hay chợ vật lý số.

Định danh số là quá trình gắn mã định danh duy nhất cho mỗi hiện vật, giúp theo dõi và quản lý thông tin chi tiết về nguồn gốc và tạo giá giá trị số của chúng.

Từ giải pháp định danh số Nomion, công nghệ chip NFC và blockchain được sử dụng để đảm bảo việc truyền tải dữ liệu nhanh chóng và an toàn, đồng thời bảo vệ dữ liệu không thể giả mạo.

Quá trình này giúp các cơ quan quản lý di sản bảo vệ hiện vật hiệu quả hơn, chống hàng giả và trộm cắp bản quyền, đồng thời tạo thêm những xác thực khoa học từ công nghệ hỗ trợ cho công tác quản lý.

Khi đã được định danh và xác thực, các hiện vật có thể được trưng bày dưới dạng triển lãm số và bán vé tham quan online cho du khách từ mọi nơi trên thế giới chiêm ngưỡng thông qua công nghệ VR, AR và XR.

Từ đó tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho các bảo tàng, đơn vị quản lý di sản. Triển lãm số các vật phẩm văn hóa có định danh tập trung vào di sản (đồ vật), có sự bảo chứng từ các đơn vị chủ quản, tạo sự uy tín để khách trên toàn cầu có thể sẵn lòng chi trả để trải nghiệm các hiện vật văn hóa.

Tại Việt Nam, nền tảng triển lãm số đầu tiên trên metaverse cho các cổ vật Cung đình Huế đã được xây dựng và tích hợp với các thiết bị hiện đại như Apple Vision Pro và Meta Quest. Nền tảng này đã đạt gần 4.000 lượt trải nghiệm chỉ sau 10 ngày ra mắt.

Trên thế giới, dự án "Mona Lisa: Beyond the Glass" tại Bảo tàng Louvre (một trong những bảo tàng tiếp đón nhiều khách tham quan nhất trên thế giới) là trải nghiệm thực tế ảo, cho phép du khách khám phá bức tranh Mona Lisa một cách hoàn toàn mới thông qua công nghệ VR.

Bằng cách sử dụng kính thực tế ảo, du khách có thể tiếp cận gần hơn với bức tranh, khám phá những chi tiết tinh tế và những khía cạnh không thể thấy bằng mắt thường. Trải nghiệm này giúp khách thăm quan có cái nhìn sâu sắc hơn về tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của Leonardo da Vinci, cũng như hiểu rõ hơn về lịch sử và ý nghĩa của bức tranh.

content:
content:

content:

Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 1198
Số lượt truy cập: 309464