Rằm tháng 7, cẩn thận hoả hoạn do đốt vàng mã

content:

 Thờ cúng tổ tiên là truyền thống văn hóa tâm linh tốt đẹp của người Việt từ xa xưa đến nay, cùng với đó là việc đốt hương cúng, đốt vàng mã. Nhất là vào dịp ngày Rằm tháng 7, lễ Vu lan báo hiếu, người dân có xu hướng làm lễ lớn, đốt nhiều mã vàng để tỏ lòng thành, tưởng nhớ và tri ân tổ tiên, người đã khuất. Tuy nhiên, bên cạnh văn hoá tín ngưỡng, cần cẩn trọng hoả hoạn…

Hoả hoạn luôn rình rập
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Gần đây nhất là khoảng 10h30 sáng 27/7, một số người dân phát hiện lửa trong ngôi nhà 5 tầng có địa chỉ ở ngõ 20 - đường Trần Quý Kiên, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Hiện trường cháy tại phòng thờ tầng 5 - ngõ 20 đường Trần Quý Kiên, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy

Hiện trường cháy tại phòng thờ tầng 5 - ngõ 20 đường Trần Quý Kiên, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy

Ngay khi phát hiện cháy, mọi người đã hô hoán, đồng thời sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để phá cửa, dập lửa. Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) CAQ Cầu Giấy đã điều động 4 xe chuyên dụng cùng nhiều cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường, phun nước dập lửa.

Nguyên nhân cháy do thắp hương

Nguyên nhân cháy do thắp hương

Đến khoảng 11h30, hỏa hoạn được khống chế, không để vụ cháy lan rộng. Khám nghiệm ban đầu được biết ngọn lửa khởi phát từ phòng thờ, lan ra nhiều vật dụng và cháy lớn.

Tại hiện trường, nhiều vật dụng ở tầng 4 bị thiêu rụi, sức nóng làm cửa kính vỡ tung, rơi xuống đất. Tầng 5 (tầng tum) bị ám khói đen do lửa bao trùm. Nguyên nhân có thể do thắp hương không người trông coi.

Trước đó, UBND phường Thành Công cũng đã lập biên bản xử phạt một người phụ nữ có hành vi đốt vàng mã dưới cầu thang bộ khu tập thể Thành Công, phường Thành Công (quận Ba Đình). Khoảng 11h30 ngày 31/5, bà L.T.T.H. (trú tại khu tập thể Thành Công) đốt vàng mã tại chiếu nghỉ cầu thang tầng 4, của khu tập thể Thành Công. Khói và tàn tro bay khắp nơi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân lân cận và tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

Nguy cơ hỏa hoạn từ thói quen thờ cúng, đốt vàng mã cũng hiện hữu, nhất là ở các cơ sở kinh doanh
Nguy cơ hỏa hoạn từ thói quen thờ cúng, đốt vàng mã cũng hiện hữu, nhất là ở các cơ sở kinh doanh

Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, UBND phường Thành Công đã phối hợp cùng Công an phường Thành Công, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Ba Đình yêu cầu bà H. đến trụ sở UBND phường làm việc.

Tại đây, đại diện chính quyền địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn và thông báo nội dung hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCC của bà H. Theo đó, bà H. có hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt ở những nơi có quy định cấm (cầu thang bộ thoát nạn của khu tập thể). Đồng thời, lực lượng chức năng cũng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với bà H. về hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt ở những nơi có quy định cấm, mức tiền phạt là 4.000.000 đồng. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu bà H. cam kết không được phép tái phạm hành vi nêu trên.

Theo đánh giá của Cảnh sát PCCC và CNCH, các vụ cháy do thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân như: Việc bố trí bàn thờ, lư hương gần các vật liệu dễ cháy, không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy, chữa cháy; thắp quá nhiều chân hương hoặc bố trí vàng mã gần lư hương, đèn dầu, nến nên dễ gây cháy lan, cháy lớn.

Nguồn lửa từ nhang cháy trên ban thờ cũng có thể gây ra hỏa hoạn lớn

Nguồn lửa từ nhang cháy trên ban thờ cũng có thể gây ra hỏa hoạn lớn

Nguy cơ hỏa hoạn từ thói quen thờ cúng, đốt vàng mã cũng hiện hữu ở các cơ sở kinh doanh. Các cửa hàng bán quần áo, vải vóc là một ví dụ. Khi các ban thờ được bố trí ngay bên các chồng quần áo, vải vóc khổng lồ thì chỉ một chút lơ là, bất cẩn, nguồn lửa từ nhang cháy trên ban thờ cũng có thể gây ra hỏa hoạn lớn.

Nâng cao ý thức phòng ngừa

Mỗi năm cả nước đốt gần 50.000 tấn vàng mã, riêng tại Hà Nội đã tiêu thụ trên 400 tỷ đồng cho phong tục này. Kéo theo đó là những nguy cơ hỏa hoạn luôn rình rập. Đốt vàng mã vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, vừa tốn kém tiền bạc và ô nhiễm môi trường.

Mặc dù pháp luật chưa có quy định cấm, nhưng thời gian qua các cơ quan chức năng đã liên tục tuyên truyền về việc hạn chế đốt vàng mã. Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ nhiều năm nay cũng đã khuyến cáo các Phật tử không đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khuyến cáo người đứng đầu các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, chủ hộ gia đình và người dân thực hiện nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tuân thủ việc đốt vàng mã tại nơi quy định.

Quá trình thắp hương, người dân cần trông coi bàn thờ, bố trí nơi thắp hương thờ cúng đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy; để cách xa bát hương với các vật dụng dễ cháy trên bàn thờ, tránh trường hợp hương cháy rơi vào các vật dụng dẫn đến cháy. Hạn chế để nhiều vật liệu dễ cháy và sử dụng nến trong thờ cúng; không nên đi ra khỏi nhà khi hương trên ban thờ chưa tắt.

Khi đốt vàng mã phải chọn khu vực kín gió hoặc sử dụng các vật dụng che chắn tránh gió cuốn tàn lửa sang các khu vực xung quanh gây cháy, phải có người trông coi; tránh xa những nơi có vật dễ cháy. Không đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn. Không đốt vàng mã ở những nơi cấm, nơi có vật liệu dễ cháy.

Người dân cần đốt vàng mã trong các dụng cụ làm bằng vật liệu không cháy như: kim loại, sành sứ... có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh.

Khi đốt vàng mã phải có người trông coi đến khi không còn tàn lửa; để nguội hẳn mới đổ tro...

Các thiết bị điện được bố trí trên bàn thờ phải đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, có thiết bị đóng ngắt để phòng tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy.

Chủ động tự trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy như bình chữa cháy, thang dây, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ lọc độc... Thường xuyên tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy trong phạm vi quản lý; kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, các thiết bị điện và dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Tập huấn về phòng cháy, chữa cháy cho tăng, ni, lực lượng bảo vệ cách sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ và cách xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.

Trong trường hợp có cháy, nổ xảy ra, người dân phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh; đồng thời ngắt nguồn điện, sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu, thông báo kịp thời cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ qua số điện thoại 114 để phối hợp tổ chức chữa cháy và cứu nạn kịp thời để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.

Đồng thời với các biện pháp trên, các cấp, ngành, nhất là chính quyền cơ sở, Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng cháy, chữa cháy cho mỗi người người, mỗi nhà, nhất là những người làm việc và phục vụ tại các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng (đình, đền, chùa,...) để sẵn sàng xử lý khi có thể có tình huống cháy, nổ xảy ra do thắp nến, đèn, hương và đốt vàng mã.

content:
content:

content:

Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 718
Số lượt truy cập: 309860