Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết sau mưa, bão

Do ảnh hưởng của bão số 3, những ngày qua nhiều địa phương của thành phố Hà Nội rơi vào cảnh ngập lụt. Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển
content:

Các chuyên gia nhận định, nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát trong thời gian tới nếu không triển khai các biện pháp phòng dịch chủ động và đồng bộ.

Gia tăng ca bệnh tại nhiều quận, huyện

Ngay trong tuần đầu tiên sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào nước ta, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng hơn so với tuần trước đó. Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 6-9 đến ngày 13-9), toàn thành phố ghi nhận 227 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 37 ca so với tuần trước đó). Trong số các quận, huyện có nhiều bệnh nhân, đứng đầu là Đan Phượng với 57 ca, tiếp đến là Hà Đông 17 ca, Hai Bà Trưng 15 ca, Thạch Thất 15 ca… Ngoài ra, thành phố cũng có thêm 9 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó có 3 ổ dịch đang hoạt động tại thôn La Thạch (xã Phương Đình), thôn Thọ Vực (xã Đồng Tháp), cụm 1 (xã Hạ Mỗ) của huyện Đan Phượng; 2 ổ dịch tại phố Nghĩa Dũng (phường Phúc Xá, quận Ba Đình)…

Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vào thời điểm hiện tại, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng số ca mắc thường tăng lên vào mùa mưa. Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm được coi là giai đoạn “nóng” của dịch sốt xuất huyết do thời tiết ẩm, mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi và phát triển. Hiện Hà Nội đã bắt đầu bước vào đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, dự báo số mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Cũng theo ông Khổng Minh Tuấn, những ngày qua, CDC thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát các hoạt động vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do chịu ảnh hưởng của mưa lũ tại địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Thạch Thất, Đông Anh, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Quốc Oai… Dù sốt xuất huyết là dịch bệnh rất cũ nhưng lo ngại là mỗi đợt dịch lại có những khó khăn riêng. Một trong những khó khăn phải kể đến đó là khi nhiễm bệnh, người dân thường đến thẳng phòng khám hay bệnh viện tư, không vào bệnh viện công, không qua trạm y tế. Điều đó dẫn đến không thể giám sát được ca bệnh từ sớm và xử lý ổ dịch từ sớm. Trong khi nếu không xử lý ổ dịch từ 3 ngày đầu, để qua ngày thứ 5 thì nguy cơ sẽ bùng phát và nhân rộng. Khi ổ dịch đã tăng đến 10 bệnh nhân thì khả năng thành 20-30 bệnh nhân ngay sau đó là rất nhanh.

Diệt bọ gậy là biện pháp chống dịch bền vững

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Đan Phượng đã ghi nhận 810 ca mắc sốt xuất huyết. Đây cũng là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất trong năm nay của thành phố. Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão số 3, Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng đã khẩn trương triển khai phun khử khuẩn vệ sinh môi trường tại nhiều điểm bị ngập úng nặng trên địa bàn các xã: Hồng Hà, Trung Châu, Tân Hội. Ngoài ra, cán bộ y tế của huyện cũng tiến hành phun khử khuẩn môi trường, hướng dẫn người dân cách xử lý nguồn nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ…

Để phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả, theo ông Khổng Minh Tuấn, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để, kịp thời các ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết xảy ra trong và sau ngập lụt; duy trì công tác giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của ngập lụt các biện pháp xử lý môi trường, cách diệt bọ gậy.

“Diệt bọ gậy chính là biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bền vững, còn phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp cứu. Do đó phải tuyên truyền, vận động làm sao để người dân tự giác diệt bọ gậy bằng các hành động nhỏ như: Đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào các bể nước lớn, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước, dọn phế thải quanh nhà có thể là nơi đọng nước mưa kể cả chai lọ, vỏ hộp, hốc cây… Như vậy sẽ hạn chế được dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”, ông Khổng Minh Tuấn lưu ý.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng, sau mưa lũ, các bệnh do vector truyền bệnh (vật chủ trung gian) như muỗi có nguy cơ phát sinh mạnh. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết. Để phòng bệnh, nhiều người đã sai lầm khi chỉ phòng, chống muỗi đốt vào ban đêm. Trong khi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết lại đốt ban ngày, đốt mạnh nhất vào sáng sớm và chập tối. Loại muỗi này thường trú đậu ở các góc tối, xó tối hoặc trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

“Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cũng chỉ đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước sạch, trong. Do đó, nếu người dân quan niệm muỗi đẻ ở nơi bẩn, cống rãnh, chỉ chăm chăm khơi thông cống rãnh hôi thối, tù đọng thì hoàn toàn không phòng được sốt xuất huyết”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

content:
content:

content:

Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 880
Số lượt truy cập: 317035