Ba Đình phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt
- content:
Đầu năm 2022, trong 4 di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật “Thăng Long tứ trấn” được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, quận Ba Đình có hai di tích gồm đền Voi Phục và Quán Thánh. Cả hai di tích này thuộc trách nhiệm quản lý của UBND quận Ba Đình.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin kiêm Trưởng ban Quản lý di tích quận Ba Đình Lê Thị Khanh cho biết, việc UBND quận trực tiếp quản lý di tích đã thể hiện sự quan tâm đúng mức, toàn diện đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của hai di tích quốc gia đặc biệt này.
Thực tế cho thấy, công tác bảo tồn di tích đền Voi Phục và đền Quán Thánh đã được quận Ba Đình quan tâm, chú trọng từ nhiều năm qua. Qua nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, quận đã xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo tổng thể hai di tích với tổng kinh phí dự kiến hơn 15 tỷ đồng đối với đền Quán Thánh và gần 26 tỷ đồng đối với đền Voi Phục, hiện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang tiến hành thẩm định các dự án. Quận cũng thực hiện lập hồ sơ khoa học hàng trăm hiện vật có giá trị lịch sử tại các di tích nhằm bảo quản tài liệu, hiện vật hiệu quả.
Trên cơ sở đó, quận Ba Đình tiếp tục xây dựng quy hoạch tổng thể nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa một cách khoa học. Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, UBND quận đã triển khai các nhiệm vụ phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, đặc biệt chú trọng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá về di tích lịch sử trên Cổng thông tin điện tử quận; in, phát hành tờ gấp giới thiệu về di tích; giới thiệu di tích trên website du lịch quận... Đồng thời kết hợp khai thác tiềm năng du lịch với giáo dục truyền thống trong học sinh các trường học trên địa bàn quận, kết hợp phát triển các tuyến du lịch với các doanh nghiệp lữ hành và các địa phương có nét tương đồng.
Là địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt đền Voi Phục, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) Trần Thị Thu Quỳnh cho biết, phường tập trung tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di tích, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, phường cũng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch. Qua đó, tạo hình ảnh thân thiện, an toàn đối với du khách, góp phần quảng bá về di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn.
Phó Trưởng ban Quản lý di tích đền Quán Thánh Bùi Hồng Sơn cho biết, di tích đền Quán Thánh luôn là nơi thu hút đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Trải qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, thực hiện thích ứng an toàn với dịch bệnh, du khách đã trở lại với di tích ngày càng đông hơn. Để bảo đảm công tác quản lý xứng tầm với di tích quốc gia đặc biệt, Ban Quản lý di tích đền Quán Thánh đã chủ động chuyên môn về lĩnh vực văn hóa, lịch sử, từ đó chỉ dẫn du khách tiếp cận dễ dàng hơn khi đến di tích lịch sử này.
Lần thứ 2 đến tham quan đền Quán Thánh, anh Hoàng Văn Triệu (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, dù đông khách đến tham quan, chiêm bái nhưng anh vẫn thấy yên tâm vì các biện pháp phòng, chống dịch tại di tích thực hiện nghiêm túc, quy củ. “Đặc biệt, cảnh quan, hiện vật tại đền Quán Thánh được bảo quản rất tốt, các đạo sắc phong, khánh đồng cổ… hầu như không có gì thay đổi so với cách đây 4 năm tôi đến thăm”, anh Hoàng Văn Triệu nói.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin kiêm Trưởng ban Quản lý di tích quận Ba Đình Lê Thị Khanh, nhằm phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt một cách toàn diện, hiện quận đang nghiên cứu khôi phục lại các lễ hội cổ, lễ hội truyền thống liên quan đến đền Voi Phục và đền Quán Thánh để thu hút ngày càng đông đảo du khách, phát triển du lịch văn hóa. Đồng thời, quận cũng nghiên cứu xây dựng nhận diện thương hiệu du lịch nhằm quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao giá trị các di tích.