Đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong cơ sở giáo dục đảm bảo thực chất, hiệu quả
- content:
Theo báo cáo tại buổi làm việc, thời gian qua, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), chú trọng ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục triển khai tổ chức các hoạt động PBGDPL. Đặc biệt với vai trò là thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương, Bộ đã tích cực trong tư vấn, tham mưu Hội đồng xây dựng kế hoạch, cho ý kiến đối với các dự thảo văn bản.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, giáo viên, người làm công tác pháp chế trong ngành giáo dục; chuẩn hoá đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân (GDCD), giảng viên dạy pháp luật theo thẩm quyền.
Tính đến năm học 2021-2022, toàn ngành giáo dục có 14.069 giáo viên dạy môn GDCD, trong đó có khoảng 95% giáo viên THPT và 77% giáo viên THCS dạy môn GDCD được đào tạo đúng chuyên ngành. Đối với bộ phận nhỏ giáo viên dạy GDCD được xác định là chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định thì sẽ được đào tạo nâng trình độ chuẩn, tiến tới mục tiêu 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục, đào tạo, trong đó có định hướng đối với công tác PBGDPL trong nhà trường. Đến nay, 63/63 sở GD&ĐT thực hiện tuyên truyền, PBGDPL trên website của sở, ngoài ra còn sử dụng các phương tiện để truyền tải kịp thời các quy định của pháp luật đến từng đối tượng qua Facebook, Youtube, Zalo…
Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã có nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác PBGDPL, trong đó nhiều mô hình PBGDPL thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đối tượng được PBGDPL. Một số mô hình đã phát huy được hiệu quả tại các địa phương, nhà trường.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra rằng, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác phối hợp với các thành viên trong Hội đồng chưa được liên tục; vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong triển khai quy định của Luật PBGDPL đối với ngành giáo dục.
Bộ GD&ĐT đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật PBGDPL hiện hành quy định về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong công tác PBGDPL để phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành; bổ sung quy định trong Luật PBGDPL nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương và Hội đồng Phối hợp PBGDPL các bộ, ngành, các địa phương, giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành khác trong đó có Bộ GD&ĐT trong công tác PBGDPL.
Nghiên cứu, bổ sung quy định của Luật về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động PBGDPL, yêu cầu đa dạng hoá các hình thức bồi dưỡng, tập huấn. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan tư pháp địa phương hỗ trợ các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn thực hiện công tác PBGDPL trong nhà trường; lựa chọn mô hình PBGDPL tiêu biểu tại địa phương, cơ sở và tổ chức cho đội ngũ những người trực tiếp làm công tác PBGDPL học tập kinh nghiệm…