70 năm Giải phóng Thủ đô: Giữ trọn lời hẹn với Thủ đô
- content:
-
Cảm xúc ngày trở về
70 năm trước, ông Lê Văn Tính (Hội Cựu chiến binh phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là chiến sỹ liên lạc của Đại đội trưởng Nguyễn Đình Phòng, Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô (Trung đoàn 102), Sư đoàn quân Tiên phong (Sư đoàn 308). Hào hứng khi nhắc đến ngày Giải phóng Thủ đô, ông kể rằng, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được theo Đại đội trưởng về Đền Hùng gặp Bác Hồ nhận nhiệm vụ “Tiếp quản Thủ đô” của Sư đoàn 308. Đây là sự kiện để lại ấn tượng sâu sắc mà cả cuộc đời ông không bao giờ quên. Bác căn dặn: “Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước. Tám - chín năm nay do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi về Hà Nội. Vì thế, các cháu được Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn”.
Advertisement: 0:05
Ngày 10/10/1954, ngày lịch sử đã đến. 5 giờ sáng, ông cùng các chiến sỹ rời làng Phùng (huyện Đan Phượng) theo đường 32 tiến về Hà Nội. Qua Cầu Diễn, ông đã xúc động khi Hà Nội là một rừng cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô, nhân dân đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào đoàn quân diễu qua. Những ánh mắt ướt lệ, những cánh tay chơi vơi đưa ra như muốn ôm chặt lấy người thân xa lâu ngày gặp lại. Đi qua các đường phố đến Hồ Gươm, về cửa chợ Đồng Xuân, mọi người nhìn bộ đội đi qua với nét mặt thân thiện, gần gũi như mong đợi từ lâu.
Đặc biệt, những người trong đội quân “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” chiến đấu 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Hà Nội ra đi từ ngày đầu kháng chiến, nay trở về lại càng xúc động. Trung tá Trần Phiên (năm nay đã 101 tuổi, hiện trú tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, trước kia công tác tại Bộ Tư lệnh pháo binh) dù tuổi đã cao nhưng vẫn nhớ tới những ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954. Ông cũng rất vui nhận được mệnh lệnh cấp trên cùng mọi người trở về tiếp quản và thật sự ấn tượng với sự nồng ấm của nhân dân Hà Nội chào đón các đoàn quân trở về. Ông luôn nhớ về tình cảm của người dân Thủ đô khi ấy luôn giúp đỡ các chiến sỹ hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Lê Nguyên Diệu (91 tuổi, từng công tác tại Bộ Công An, hiện ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tự hào khi trong ngày 10/10/1954 có mặt trong nội thành, chứng kiến bầu không khí của ngày giải phóng. Lúc đó, ông có nhiệm vụ đưa một phóng viên nước ngoài đưa tin về ngày tiếp quản Thủ đô.
“Khi được chứng kiến người dân đón đoàn quân giải phóng trong không khí tưng bừng, tôi như say trên xe. Xe lăn bánh trong nội thành Hà Nội tràn ngập cờ và hoa giữa nắng gió ngày thu. Người Hà Nội mặc đẹp, mang đủ nhạc cụ, mâm đồng, chậu thau, nắp vung ra đập vang và nhảy múa. Đêm hôm đó, tôi không ngủ được. Tôi ra khỏi cơ quan đứng giữa đường Trần Hưng Đạo nhìn thẳng hàng đèn tít tắp ra ga Hàng Cỏ, hít thật sâu mùi hương hoa sữa” - Ông Lê Nguyên Diệu chia sẻ.
Lễ chào cờ lịch sử
Chiều 10/10/1954, các đoàn quân về tiếp quản Thủ đô tập trung ở sân Cột Cờ, đội ngũ chỉnh tề cùng nhân dân và Ủy ban Giám sát quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Geneva dự lễ thượng cờ. Các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối nghiêm chỉnh, hàng đầu đội hình bộ binh là Trung đoàn Thủ đô.
15 giờ, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, Quốc ca hùng tráng vang lên. Toàn thành phố hướng về Cột Cờ thành Hà Nội. Mọi người trang nghiêm nhìn lên Quốc kỳ đang tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Quốc ca vừa dứt, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Vương Thừa Vũ đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô ngày giải phóng. Lời thư thân mật, tha thiết trong không khí thiêng liêng khiến mọi người xúc động rưng rưng nước mắt. Trong thư gửi đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết, nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết". Lời đọc vừa dứt tiếng hô “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” vang lên.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Hà (nguyên Phó trưởng Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu) vẫn vẹn nguyên ký ức về không khí hân hoan Ngày Giải phóng Thủ đô, về tình cảm người dân Hà Nội dành cho các chiến sỹ tiếp quản Hà Nội. Tham dự lễ chào cờ tại sân Cột Cờ, ông cũng như bao người khác nghẹn ngào trong không khí trang nghiêm dưới lá cờ Tổ quốc, hòa cùng tiếng nhạc Quốc ca. Bao năm chiến đấu gian khổ với sự can trường của quân và dân, sự hy sinh mất mát của hàng vạn chiến sỹ được đổi bằng giây phút thiêng liêng đó.
Cũng vinh dự có mặt trong lễ chào cờ lịch sử, ông Nguyễn Đình Kiên (Đại đoàn 351, hiện trú tại phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, dịp tiếp quản Thủ đô, ông mới tròn 20 tuổi. Trong ngày trọng đại đó, buổi sáng, ông cùng cánh quân từ khu vực sân Quần Ngựa tiến vào nội thành, buổi chiều ông vinh dự được tham dự lễ chào cờ. “Trong những năm kháng chiến trường kỳ, chúng tôi luôn khát khao có những giây phút được đứng dưới lá cờ Tổ quốc để hòa nhịp cùng Quốc ca trong nghi lễ chào cờ, được tận hưởng âm hưởng không khí của ngày chiến thắng. Buổi lễ hôm đó, mong ước của chúng tôi đã thành hiện thực và tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc” - Ông Nguyễn Đình Kiên chia sẻ.
Sau lễ chào cờ, lực lượng quân đội cùng chính quyền và nhân dân Thủ đô thực hiện tái thiết thành phố. Ông Lê Văn Tính (Hội Cựu chiến binh phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) cho biết, tiến hành quân quản trong một thời gian ngắn, phố phường buôn bán ngày càng nhộn nhịp, sinh hoạt trở lại bình thường. Những ngày đầu, các chiến sỹ bộ đội từng tổ 3 người vào từng nhà thăm hỏi, nói chuyện, giải đáp những vướng mắc cho nhân dân, được mọi nhà tiếp đón vui vẻ. Ban đêm, các chiến sỹ tổ chức biểu diễn ca múa nhạc ở các nơi công cộng, vườn hoa, được nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Tình quân dân càng trở nên thắm thiết, hai chữ hòa bình, tự do càng trở nên ý nghĩa.